Có nhiều cách để giảm ngứa da, bao gồm sử dụng kem dưỡng ẩm, thuốc giảm ngứa, lá bạc hà hoặc dùng nước lạnh để làm dịu vùng da kích ứng. Để chọn phương pháp phù hợp, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tình trạng ngứa da như: Các bệnh tiêu hóa, gan, thận, đái tháo đường, thiếu vitamin; táo bón, dị ứng thuốc; ký sinh trùng…
Theo Đông y, ngứa da thuộc phạm vi chứng huyết cam. Tình trạng bệnh lý này có thể do phong hàn hoặc phong nhiệt, nhân lúc sức khỏe suy yếu xâm phạm vào cơ thể mà gây nên bệnh. Hoặc do ăn uống không điều độ khiến thấp nhiệt tích đọng hay huyết dịch hư tổn, tạng can quá nóng mà sinh ra bệnh.
1. Ngứa da do phong hàn
– Biểu hiện: Da khô, bong vẩy, ngứa; hay phát trong mùa Đông, nhất là trong lúc thay quần áo hoặc nặng về đêm. Vị trí ngứa thường là phía trong đùi, phía sau cẳng chân và quanh các khớp xương. Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch trầm trì (chìm, chậm).
– Bài thuốc: Can khương (gừng khô) 9g, ngải cứu 6g, hồng táo (táo tầu) 10 trái, quế chi 6g. Sắc uống trong ngày.
– Công dụng: Trừ phong, tán hàn, giảm ngứa.
Vị thuốc Đương quy trong bài thuốc trị ngứa da do phong nhiệt
2. Ngứa da do phong nhiệt
– Biểu hiện: Thỉnh thoảng da phát ngứa. Vị trí ngứa không cố định, gặp thời tiết nóng hoặc môi trường nóng ngứa tăng, khi trời mát hoặc ban đêm thì giảm. Da chỗ ngứa đỏ ửng hoặc nổi lên những nốt sẩn đỏ. Rêu lưỡi mỏng vàng. Mạch huyền sác. Bệnh hay gặp trong mùa hè cũng có thể phát tác cả trong mùa đông.
– Bài thuốc: Đương quy 10g, sinh địa 15g, xích thược 15g, xuyên khung 6g, kinh giới 10g, thiền thoái (xác ve sầu) 6g, vỏ núc nác 10g, bồ công anh 15g, cam thảo 6g. Sắc uống trong ngày.
– Công dụng: Trừ phong, thanh nhiệt, giảm ngứa.
3. Ngứa da do thấp nhiệt
– Biểu hiện: Da ngứa, nửa người phía dưới ngứa nhiều hơn, gặp nóng nặng thêm, sau khi gãi da có rỉ nước, kèm theo miệng đắng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Bệnh hay gặp ở thanh niên, nữ giới thường kèm theo khí hư (đới hạ).
– Bài thuốc: Long đảm thảo 6g, sài hồ 6g, chi tử (dành dành) 10g, vỏ núc nác 10g, xa tiền tử 15g (bọc lại), trạch tả 10g, ý dĩ nhân 20g, thổ phục linh 15g, cam thảo 6g. Sắc uống trong ngày.
– Công dụng: Thanh nhiệt, hóa thấp, giảm ngứa.
Long đảm thảo trong bài thuốc trị ngứa da do thấp nhiệt
4. Ngứa da do huyết hư can hỏa
– Biểu hiện: Ngứa kịch liệt, bệnh kéo dài lâu ngày. Khi tình cảm xúc động thường phát ngứa hoặc ngứa nặng thêm, kèm theo da thô ráp, mất ngủ, ngủ mê nhiều, bồn chồn, trống ngực. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng. Mạch tế sác (nhỏ nhanh). Bệnh hay gặp nhất ở người cao tuổi.
– Bài thuốc: Sinh địa 15g, thạch hộc 12g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 6g, sơn thù nhục 10g, đương quy 15g, bạch tật lê 15g, huyền sâm 10g, kỷ tử 10g, ích mẫu thảo 15g, táo nhân (sao đen) 10g. Sắc uống trong ngày.
– Công dụng: Dưỡng huyết, khu phong, giảm ngứa.
Lưu ý: Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang, uống theo từng đợt 7-10 ngày. Đối với những chứng ngứa lâu ngày không khỏi, người bệnh nên đến bệnh viện xác định rõ nguyên nhân gây bệnh để được điều trị hiệu quả.
Cảm ơn quý vị đã đọc bài viết này. Hy vọng thông tin về 4 phương pháp trị chứng ngứa da sẽ hữu ích cho quý vị. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để chọn phương pháp phù hợp nhất. Chúc quý vị sức khỏe tốt!