Dành thời gian để kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi rất quan trọng. Ngoài việc thăm khám tổng quát, họ cũng cần chú ý đến các chỉ số như huyết áp, đường huyết, và chất béo máu. Đồng thời, việc cập nhật thông tin về các biến chứng có thể gặp phải cũng quan trọng để phòng tránh tốt hơn.
Tuổi già là độ tuổi mà cơ thể đã bắt đầu lão hóa và giảm sức đề kháng. Những biểu hiện đầu tiên sẽ xuất hiện ở hệ tiêu hóa, hệ xương, hệ tim mạch và cả hệ tuần hoàn… khiến cơ thể mệt mỏi và kém linh hoạt.
Đây là lúc cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng nên chức năng của các bộ phận sẽ bị giảm sút, cơ thể cũng dễ mắc các bệnh như tiểu đường, tai biến, loãng xương… và cũng có thể mắc phải một số bệnh khá nguy hiểm.
Vậy nên để tránh những trường hợp đáng tiếc thì việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho người cao tuổi là rất quan trọng, khám sức khỏe định kỳ vừa theo dõi được tình trạng sức khỏe của cơ thể, vừa sớm phát hiện được những bất thường xảy ra trong cơ thể để kịp thời chữa trị.
Tùy vào tiểu sử bệnh hoặc các yếu tố khác mà người cao tuổi cần thực hiện các thăm khám có liên quan. Thông thường cần kiểm tra những vấn đề sau:
1. Kiểm tra huyết áp
Tăng huyết áp không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể sống vui, sống khỏe nếu phát hiện bệnh sớm. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC), khoảng 64% nam giới và 74% nữ giới trong độ tuổi từ 65 – 74 mắc bệnh tăng huyết áp. Bệnh được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì các triệu chứng không biểu hiện rõ ràng và làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đột tử do tim. Vì vậy người cao tuổi nên kiểm tra huyết áp thường xuyên để kiểm soát tình trạng cơ thể, được điều trị sớm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và suy thận.
2. Xét nghiệm mỡ máu
Nồng độ Cholesterol và triglycerid ở mức cho phép sẽ làm giảm nguy cơ đột tử do bệnh tim hay đột quỵ. Nếu kết quả cho thấy hàm lượng các chất này cao, bác sĩ sẽ cho lời khuyên cài thiện chế độ ăn uống, thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc để làm giảm mỡ máu.
3. Kiểm tra răng miệng
Ngoài vấn đề răng miệng kém theo tuổi tác thì một số thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng như: thuốc kháng histamin, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm. Các vấn đề nha khoa có thể dẫn đến mất răng tự nhiên. Do đó, người cao tuổi cần kiểm tra định kỳ miệng, răng, nướu và họng.
4. Tầm soát ung thư đường tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa là một căn bệnh phổ biến xảy ra khi có sự xuất hiện của các khối u ác tính trong đường tiêu hóa ở các cơ quan như: thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan. Ung thư đường tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân như yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt và ăn uống. Ở giai đoạn đầu, do không có triệu chứng rõ rệt nên người bệnh không phát hiện bệnh, cho đến khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng cụ thể thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Nội soi tiêu hóa được xem là tiêu chuẩn vàng và là phương pháp phổ biến được sử dụng để tầm soát ung thư tiêu hóa, cũng như phát hiện sớm các bệnh lý đường tiêu hóa hiệu quả. Nội soi đại trực tràng giúp phát hiện các tổn thương gây ung thư trong đại – trực tràng.
5. Xét nghiệm đường huyết:
Nên bắt đầu kiểm tra đường huyết từ 45 tuổi trở lên để tầm soát bệnh đái tháo đường. Các xét nghiệm bao gồm đo đường huyết lúc đói và xét nghiệm HbA1C.
6. Tầm soát ung thư tuyến tuyền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt được coi là căn bệnh phổ biến ở người trung niên đến cao tuổi, chỉ xếp sau ung thư da. Nếu được xét nghiệm sàng lọc, phát hiện bệnh sớm thì khả năng điều trị mang lại hiệu quả cao. Ung thư tuyến tiền liệt có thể được phát hiện bằng cách thăm khám trực tràng hoặc đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) trong máu. Việc có cần đo PSA và tần suất thực hiện như thế nào sẽ được chỉ định bởi bác sĩ.
7. Tầm soát ung thư gan
Việc tầm soát bệnh gan sớm và định kỳ là cách tốt nhất để chủ động đối phó các bệnh lý gan mật, góp phần giảm thiểu biến chứng xơ gan, ung thư gan, bảo vệ sức khỏe và tính mạng kịp thời.
8. Tầm soát cơ xương khớp
Bệnh lý cơ xương khớp chiếm tỷ lệ khá cao, gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Một số bệnh lý cơ xương khớp thường gặp như: Thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, viêm khớp, thấp khớp, thoát vị đĩa đệm, loãng xương, gout…
9. Khám mắt
Tuổi tác làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và các vấn đề thị lực khác. Ở tuổi 40 bạn được khuyến cáo nên đi khám mắt.
Tóm lại: Người cao tuổi là đối tượng dễ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như sức đề kháng kém, khả năng hấp thu dinh dưỡng giảm và các chức năng của cơ thể cũng không còn hoạt động tốt như trước. Do vậy, việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho người cao tuổi là rất cần thiết.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Hy vọng bạn tìm thấy những thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong gia đình. Hãy chăm sóc và quan tâm đến sức khỏe của họ mỗi ngày. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe và hạnh phúc!