Đo loãng xương cần được thực hiện định kỳ đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi để phát hiện sớm bệnh loãng xương. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liệu pháp và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Loãng xương là gì?
Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của hệ xương khiến cho xương trở nên mỏng yếu và dễ bị gãy. Bệnh diễn biến thầm lặng và từ từ làm giảm khả năng chịu lực của xương, đặc biệt là ở vị trí như: Cổ xương đùi, cột sống, đầu dưới xương quay làm tăng nguy cơ bị gãy xương.
Bình thường mật độ xương của con người sẽ giảm dần sau tuổi 35, đặc biệt là sau mãn kinh, mãn dục do quá trình hủy xương gia tăng và quá trình tạo xương giảm đi. Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố nguy cơ thúc đẩy nhanh quá trình loãng xương như:
- Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần;
- Kém phát triển thể chất, bị còi xương, thiếu vitamin D, thiếu canxi;
- Ít vận động, hoạt động ngoài trời, thiếu vitamin D làm cơ thể giảm hấp thu canxi;
- Mắc bệnh mạn tính: suy thận mạn, đái tháo đường, bệnh khớp, các bệnh đường tiêu hóa…
Đo loãng xương nhằm xác định mật độ xương để phòng tránh bệnh loãng xương, kiểm tra sự đáp ứng của việc điều trị loãng xương.
Ai nên đo loãng xương?
– Người cao tuổi (đặc biệt là những người trên 65 tuổi, cả nam và nữ).
– Phụ nữ từ 45-50 tuổi, người có xương nhỏ có nguy cơ cao đối với loãng xương.
– Phụ nữ sau mãn kinh. Mãn kinh sớm hoặc tắt kinh trước thời ký mãn kinh càng làm tăng nguy cơ mắc loãng xương.
– Người bị thiểu năng tuyến sinh dục, cường giáp tiến triển, cường vở thượng thận, và cường giáp tiên phát.
– Người có thói quen ăn thức ăn có ít canxi hoặc vitamin D hay thiếu cả hai; ít vận động và ít tập thể dục, nghiện rượu, hút thuốc.
– Các bệnh mạn tính và dùng thuốc điều trị: Một số loại thuốc có thể làm tổn thương xương và dẫn đến “loãng xương thứ cấp”. Những thuốc có thể gây tác dụng phụ này như thuốc điều trị rối loạn nội tiết (điều trị ưu năng tuyến giáp trạng), thuốc điều trị suy tủy, rối loạn collagen, bệnh dạ dày ruột. Dùng các glucocorticoid trong thời gian dài để chữa các bệnh hen, viêm khớp có thể làm tổn thương xương. Vì vậy bệnh nhân loãng xương đang điều trị các bệnh này phải hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc tình trạng của mỗi bệnh.
– Bệnh nhân sau phẫu thuật xương khớp.
– Bệnh nhân cơ nghi ngờ lún xẹp đốt sống, giảm chiều cao, gù vẹo đốt sống.
Tập thể dục thường xuyên giúp xương chắc khỏe.
Ai không được phép đo loãng xương?
Những người dưới đây cần chống chỉ định đo loãng xương:
- Phụ nữ có thai.
- Dùng thuốc cản quang đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch trong vòng 2 tuần.
- Có kim loại tại vị trí cần đo.
Phòng tránh loãng xương bằng cách nào?
Để phòng tránh loãng xương, mọi người nên:
– Không sử dụng chất kích thích như: rượu bia, cà phê, thuốc lá, thuốc lào vì nó làm giảm hấp thu canxi và tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương.
– Thường xuyên đi lại vận động, tập thể dục: Khi làm việc lâu, mọi người nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng để xương chắc khỏe.
– Cần bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D, protein, sắt, kẽm, magie,… cùng các dưỡng chất khác có lợi cho xương như thịt, trứng, cá, sữa, các loại rau xanh, hoa quả tươi, các loại đậu, ngũ cốc, yến mạch…
– Tăng cường vitamin D bằng cách tắm nắng, thường xuyên hoạt động ngoài trời, kèm chế độ ăn uống bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như các loại cá, hải sản, lòng đỏ trứng, sữa, chế phẩm từ đậu nành, ngũ cốc và yến mạch,…
– Bổ sung canxi mỗi ngày bằng các viên uống bổ sung hoặc từ các loại thực phẩm như: các sản phẩm sữa ít béo, rau lá xanh đậm, các loại cá, các sản phẩm đậu nành, các loại ngũ cốc và nước cam…
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Đo loãng xương cần thiết cho phụ nữ sau mãn kinh và người có yếu tố nguy cơ. Rất hi vọng thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn.