Để giảm đau và đau rát do bỏng tại nhà, bạn có thể thử dùng nước lạnh để làm dịu vùng da bị bỏng và bôi kem giảm đau. Hãy tránh xoa vùng bỏng và để vết thương tự nhiên lành dần. Đồng thời, hãy tìm hiểu cách bảo quản vết bỏng để tránh biến chứng và nhanh chóng hồi phục.
Nhận diện vết bỏng có thể khắc phục tại nhà
Theo TS. Chanchal Sharma, chuyên gia chăm sóc sức khỏe toàn diện tại Ấn Độ, vết bỏng được chia thành các cấp độ:
Bỏng độ 1: Vết bỏng ảnh hưởng đến lớp trên cùng của da và có đặc điểm là tấy đỏ và đau nhẹ.
Bỏng độ 2: Vết bỏng xâm nhập sâu hơn vào da, gây phồng rộp, sưng tấy và đau dữ dội hơn.
Bỏng độ 3 Loại bỏng này nghiêm trọng và làm tổn thương tất cả các lớp da, thường cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
Bỏng độ 4: Bao gồm triệu chứng bỏng độ 3 và vết bỏng lan vào gân, xương.
Bạn chỉ nên thực hiện các biện pháp làm giảm đau, rát tại nhà đối với bỏng độ 1, với bỏng độ 2, độ 3 và độ 4 cần có biện pháp chăm sóc y tế kịp thời.
Các triệu chứng điển hình của bỏng độ 1 bao gồm:
- Thay đổi màu da
- Đau hoặc rát
- Sưng nhẹ
- Bong tróc khi vết bỏng lành
Chạm vào máy uốn tóc nóng có thể gây bỏng tại vùng da tiếp xúc.
Biện pháp chữa bỏng độ 1 tại nhà
Đối với bỏng độ 1 có thể xử lý tại nhà bằng một số biện pháp giảm nhiệt nhanh chóng, giảm đau rát, giảm độ bỏng và thúc đẩy quá trình phục hồi của da.
Nước lạnh
Ngay khi bạn bị bỏng do dầu mỡ bắn vào trong quá trình nấu ăn hay cầm nắm, chạm vào vật nóng (vung nồi, quai nồi nóng, máy uốn tóc, bàn là nóng…) hoặc do nước sôi… thì cần nhanh chóng ngâm phần da bị bỏng vào nước mát hoặc đặt dưới vòi nước chảy nhẹ nhàng trong 15-20 phút.
Việc làm này giúp giảm bớt đau rát, giảm sưng, phồng rộp, giảm độ sâu của vết bỏng, đồng thời vệ sinh vết bỏng.
Lưu ý, không nên dùng nước đá lạnh để ngâm vết bỏng vì vùng da vừa bị bỏng lại bị lạnh đột ngột khiến tế bào co lại, làm cho vết bỏng lâu khỏi hơn.
Ngâm vùng da bị tổn thương vào nước lạnh giúp giảm độ sâu của vết bỏng.
Bôi gel nha đam
Gel nha đam được biết đến với đặc tính làm mát và chữa bệnh. Khi bị bỏng nhẹ, bạn có thể sử dụng gel nha đam như một miếng gạc làm mát giúp làm dịu và làm giảm độ sâu của vết bỏng.
Chuyên gia khuyên nên bôi gel nha đam tươi lên vùng bị ảnh hưởng và để yên trong khoảng 30 phút. Lặp lại quá trình này nhiều lần trong ngày để làm dịu vết bỏng.
Bôi gel nha đam làm dịu vết bỏng nhẹ.
Sử dụng dầu dừa
Dầu dừa được biết đến với đặc tính giữ ẩm, kháng khuẩn. Ngoài ra, dầu dừa còn có thể làm mát vết bỏng.
Bạn có thể thoa một lớp dầu dừa mỏng lên vùng bị bỏng và giữ yên một lúc để dầu dừa phát huy tác dụng.
Bột nghệ
Nghệ có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, là một phương thuốc tự nhiên giúp làm dịu và ngăn ngừa vết bỏng nhiễm trùng.
Để chữa lành vết bỏng, bạn cần chuẩn bị một hỗn hợp sệt bằng cách trộn bột nghệ với một ít nước rồi bôi lên vết bỏng và để khô. Sau đó nhẹ nhàng rửa sạch với nước.
Bột nghệ và dầu dừa giúp làm dịu vết bỏng.
Mật ong
Mật ong có tính kháng khuẩn, chống viêm, có thể sử dụng để làm dịu vết bỏng. Sử dụng mật ong bằng cách thoa mật ong lên vùng da tổn thương rồi băng lại bằng gạc. Nên thay gạc 3-4 lần mỗi ngày để chống nhiễm trùng vết bỏng.
Chườm lạnh
Chường lạnh bằng túi chườm hoặc dùng khăn thấm nước đặt trên vết bỏng có thể giúp giảm đau rát vùng da bị tổn thương. Bạn nên thực hiện biện pháp trong khoảng 10-15 phút để đạt hiệu quả tốt.
Cũng giống như biện pháp sử dụng nước lạnh, khi chườm lạnh, bạn không nên dùng túi chườm quá lạnh hoặc dùng đá lạnh để chườm vết bỏng vì sẽ khiến lưu thông máu bị hạn chế, tổn thương bỏng lâu hồi phục hơn.
Không sử dụng đá lạnh để chườm lên vết bỏng.
Một số lưu ý cần thiết
Không sử dụng các biện pháp làm dịu, giảm đau rát do bỏng như bôi bơ, lòng trắng trứng hay kem đánh răng lên vết bỏng… vì có thể làm phát tán vi khuẩn vào vết bỏng, gây nhiễm trùng khiến tổn thương lâu lành.
Mặc dù bỏng độ 1 ở phạm vi nhỏ không cần chăm sóc y tế nhưng bạn cần đến gặp bác sĩ khi vết bỏng độ 1 có dấu hiệu nặng hơn, vết bỏng bao phủ một vùng da lớn hơn 7cm, bỏng quanh khớp, chẳng hạn như đầu gối và khuỷu tay, vết bỏng ảnh hưởng đến mặt, háng, bàn chân, bàn tay hoặc mông.
Bỏng độ 2, độ 3 và độ 4 cần được chăm sóc y tế ngay lập tức và không nên thử các biện pháp điều trị tại nhà.
Cảm ơn quý vị đã dành thời gian đọc bài viết! Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Đề nghị tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng phương pháp chữa trị. Chúc quý vị sức khỏe!