Ho kéo dài là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe, từ cảm lạnh tới viêm phổi. Khi ho kéo dài hơn 2 tuần hoặc đi kèm các triệu chứng khác như sốt, khó thở, ho ra máu, nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đừng tự điều trị để tránh tình trạng bệnh tình trở nặng hơn.
Nguyên nhân gây ho kéo dài
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho kéo dài, trong đó thường gặp do các nguyên nhân sau:
– Ho do bệnh lý đường hô hấp trên: Ví dụ như viêm mũi vận mạch, viêm xoang dị ứng, polyp mũi. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ho kéo dài.
– Ho do hen suyễn (hen phế quản): Ho do tình trạng này thường xuất hiện vào ban đêm, khi giao mùa hoặc tiếp xúc với dị nguyên, thường kèm theo khó thở. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ho kéo dài.
– Ho do trào ngược dạ dày – thực quản: Bệnh lý này gây ho kéo dài, ho nhiều hơn khi nằm hay khi đói, kèm theo cảm giác đau thượng vị, nóng rát vùng xương ức, ợ hơi, ợ chua. Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài.
– Ho do bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Ví dụ như cảm lạnh, cảm cúm, Covid-19, viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan… Một số trường hợp dù đã điều trị nhưng có thể còn ho kéo dài.
– Ho do tác dụng phụ của thuốc: Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin (ACE) là loại thuốc kê đơn để điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, đái tháo đường hay bệnh thận. Khoảng 15% các trường hợp dùng thuốc này sẽ bị ho kéo dài.
Ngoài ra, các nguyên nhân hiếm gặp hơn gây ho kéo dài là:
- Dị dạng động tĩnh mạch phổi.
- Nhuyễn sụn khí, phế quản.
- Phì đại amidan.
- Tăng cảm thanh quản.
- Trào ngược thanh quản.
- Xơ phổi vô căn.
Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ho kéo dài. Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng dẫn đến ho và tổn thương phổi.
Ho kéo dài khi nào nên đi khám?
Ho có thể chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể, nhưng nó cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ em và người cao tuổi.
Ho kéo dài có kèm theo sốt, khó thở, tím tái, ho kéo dài dẫn đến bị suy kiệt thì phải đi xét nghiệm. Bị ho trên 5 ngày thì cần phải đi khám ngay. Ho kéo dài hơn 3 tuần mà dùng thuốc không giảm, cùng với đó là triệu chứng sốt, ho có đờm, có nâu gỉ và vàng, ho ra máu, thở nông, đau ngực… thì cần đến bác sĩ để được chẩn đoán bệnh.
Ho có tiền sử do hen, lao phổi, huyết áp tăng, đau dạ dày, bị sụt cân thì phải tìm đến bác sĩ để điều trị tận gốc như hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi…
Nếu đã từng bị ho dai dẳng thì nên phòng bệnh, đặc biệt là vào ngày lạnh, cần tích cực luyện tập thể dục thể thao, ăn uống hợp lý để tạo môi trường lành mạnh, phòng bệnh lâu dài.
Cùng với việc điều trị nguyên nhân gây ho theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm ho:
- Uống nước để làm loãng đờm. Nên uống nước ấm, nước lọc, trà hoặc nước trái cây.
- Ngậm kẹo ho để giảm ho khan và làm dịu cổ họng.
- Uống mật ong sẽ giúp làm dịu cơn ho. Nhưng không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong, vì mật ong có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc cho trẻ.
- Làm ẩm không khí bằng máy tạo độ ẩm hay máy phun sương.
- Không hút thuốc và tránh khói thuốc lá thụ động.
Tóm lại: Ho kéo dài không chỉ gây khó chịu mà còn làm gián đoạn giấc ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi. Trường hợp nghiêm trọng hơn, ho kéo dài có thể gây nôn mửa, chóng mặt, đau đầu, tiểu không tự chủ và thậm chí là gãy xương sườn. Nếu bị tình trạng ho kéo dài thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị. Nhất là khi ho có đờm, ho ra máu, ho ngày càng nặng hơn, ho về đêm, ho ảnh hưởng đến giấc ngủ và hoạt động hàng ngày.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Hãy nhớ rằng nếu bạn có triệu chứng ho kéo dài, đau họng, khó thở hoặc sốt cao, hãy đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đừng tự điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm. Chúc bạn sức khỏe!