Trong mùa đông, việc bổ sung kẽm thông qua thực phẩm như hạt bí ngô, thịt bò, gà, hải sản, đậu, lạc sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người cao tuổi. Điều này giúp họ chống lại các bệnh tật thông thường trong mùa lạnh như cúm hay đau họng.
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu có trong nhiều loại thực phẩm. Sự thiếu hụt khoáng chất này có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn như giảm chức năng miễn dịch, giảm trí nhớ, chán ăn, kém hấp thu,…
1. Lý do người cao tuổi dễ thiếu kẽm
Kẽm là một khoáng chất có vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng trong cơ thể. Kẽm giúp làm chậm quá trình oxy hóa, giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về tim mạch. Kẽm là yếu tố cần thiết trong dẫn truyền thần kinh, giúp trí não người cao tuổi minh mẫn, tăng khả năng tập trung, tăng cường trí nhớ, ngủ ngon và ngủ sâu giấc.
Bên cạnh canxi thì kẽm cũng là yếu tố cần thiết cho sự hình thành và phát triển xương khớp. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của tế bào, cũng như sự thay mới collagen ở sụn khớp nên có tác dụng phòng ngừa loãng xương và các bệnh lý về thoái hóa khớp ở người cao tuổi.
Kẽm cũng là yếu tố cần thiết cho quá trình vận chuyển vitamin A vào võng mạc, giúp phòng ngừa các bệnh về mắt, ngăn ngừa suy giảm thị lực do tuổi tác. Ngoài ra, kẽm còn giúp ngăn chặn các bệnh lý ở mắt như phù võng mạc, mờ đục võng mạc, thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi.
Các nghiên cứu đã chứng minh lượng kẽm thấp có thể đe dọa hệ thống miễn dịch. Cơ thể chúng ta không tự tổng hợp kẽm mà chủ yếu hấp thu từ thực phẩm hàng ngày thông qua hệ tiêu hóa. Trong khi đó, hệ tiêu hóa ở người cao tuổi không còn hoạt động tốt như trước kèm theo một số bệnh lý lão hóa dẫn đến chán ăn, ăn kém dẫn tới dễ bị thiếu kẽm.
TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hệ miễn dịch ở người cao tuổi thường suy yếu, sức đề kháng kém, dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng, bệnh về đường hô hấp, các bệnh tự miễn và mạn tính khác… Khi hệ miễn dịch đã suy yếu thì nếu mắc bệnh, bệnh cũng sẽ lâu khỏi hơn. Vì thế, để nâng cao hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh, người cao tuổi cần bổ sung kẽm.
2. Hấp thu đủ kẽm giúp tăng miễn dịch ở người cao tuổi
Chức năng miễn dịch suy giảm làm tăng tính nhạy cảm với viêm phổi và cúm, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn và ung thư. Duy trì lượng kẽm đầy đủ có thể hạn chế sự suy giảm chức năng miễn dịch thường xảy ra theo tuổi tác.
Nghiên cứu cho thấy rằng, đối với những người lớn tuổi, việc duy trì tình trạng kẽm đầy đủ có tầm quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm phổi, đặc biệt trong mùa đông. Đối với người cao tuổi, các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, là những dạng bệnh thường gây nguy hiểm.
Trong một nghiên cứu về người lớn tuổi ở viện dưỡng lão, những người có lượng kẽm huyết thanh bình thường có tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi thấp hơn và được kê đơn kháng sinh bằng một nửa so với những người có lượng kẽm huyết thanh thấp.
Các nghiên cứu liên quan đến việc người cao tuổi bổ sung kẽm cho thấy cải thiện tình trạng kẽm giúp tăng chức năng của hệ thống miễn dịch và khả năng chống nhiễm trùng. Trong một nghiên cứu năm 2007, những người trưởng thành từ 55-87 tuổi có lượng kẽm huyết tương thấp hơn và các dấu hiệu viêm và stress oxy hóa cao hơn so với những người trẻ tuổi. Một nửa số người lớn tuổi uống bổ sung kẽm trong 12 tháng và nửa còn lại dùng giả dược. Tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp và các dấu hiệu của viêm và stress oxy hóa ở nhóm kẽm thấp hơn so với nhóm giả dược.
Người cao tuổi cần duy trì khả năng miễn dịch khỏe mạnh thông qua một chế độ ăn uống giàu chất phytochemical và các chất dinh dưỡng cần thiết. Ăn uống lành mạnh làm giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp vì nhiều vi chất dinh dưỡng có tác dụng hỗ trợ chức năng miễn dịch thích hợp.
Kẽm không tồn tại trong cơ thể dưới dạng dự trữ nên thường xuyên phải bổ sung hàng ngày. Trong khi đó, người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và thường hay ăn kiêng nên có nguy cơ thiếu kẽm cao.
3. Thực phẩm giàu kẽm tăng cường miễn dịch ở người cao tuổi
Kẽm có trong nhiều loại thực phẩm. Một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh bao gồm các thực phẩm giàu kẽm sẽ đáp ứng nhu cầu của mọi người. Đối với những người không ăn một chế độ ăn uống tối ưu để tăng cường chức năng miễn dịch của họ, khả năng miễn dịch bắt đầu suy giảm ở độ tuổi từ 60 – 65. Nhưng ngay cả những người đang ăn một chế độ ăn uống thích hợp cũng có thể cần bổ sung kẽm.
Nhu cầu kẽm được ước tính cao hơn khoảng 50% đối với những người theo chế độ ăn hoàn toàn dựa trên thực vật do giảm sinh khả dụng từ thực phẩm thực vật. Phytate – một hợp chất chống oxy hóa được tìm thấy trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt, ngăn chặn sự hấp thụ một số khoáng chất, bao gồm cả kẽm. Ngoài ra, các khoáng chất khác như sắt và canxi cản trở quá trình hấp thụ kẽm. Đồng cũng cạnh tranh với kẽm để liên kết các protein bên trong tế bào của cơ thể.
Theo TS. Nguyễn Trọng Hưng, người cao tuổi không nên ăn chay trường hoặc quá kiêng khem dẫn tới thiếu kẽm. Để bổ sung kẽm cho cơ thể, người cao tuổi nên ăn các thức ăn giàu kẽm từ cả nguồn động vật và thực vật. Người cao tuổi yên tâm sẽ không bị thừa kẽm qua chế độ ăn hằng ngày.
Các loại thức ăn giàu kẽm người cao tuổi nên ăn hàng ngày:
– Thịt bò, thịt lợn nạc, thịt cừu cung cấp nhiều kẽm. Trong 100g thịt bò xay sống chứa 4,8mg kẽm, chiếm 44% nhu cầu hàng ngày. Người cao tuổi nên tiêu thụ một lượng vừa phải thịt đỏ cùng với một chế độ ăn nhiều trái cây, rau và chất xơ.
– Động vật có vỏ là nguồn cung cấp kẽm ít calo và lành mạnh. Các loại động vật có vỏ như: hàu, trai, ốc, hến, sò, cua, tôm… Trong đó hàu chứa một lượng kẽm đặc biệt cao, chỉ 1 con hàu cỡ trung bình cung cấp tới 5,3mg kẽm, tương đương 48,5% nhu cầu hàng ngày.
– Trứng cũng chứa một lượng kẽm vừa phải. 1 quả trứng cỡ lớn chứa khoảng 5% nhu cầu kẽm hàng ngày.
– Sữa và các thực phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua là những nguồn chứa lượng kẽm sinh học cao, có nghĩa là kẽm trong những thực phẩm này có thể được cơ thể hấp thụ tối đa hơn. Ví dụ, một cốc sữa nguyên chất béo chứa khoảng 9% nhu cầu kẽm tiêu hàng ngày. Trong 100g phô mai cheddar cung cấp khoảng 28% nhu cầu kẽm.
– Một số loại rau củ, trái cây nhiều màu sắc và các loại thực phẩm thực vật khác ngoài kẽm còn giàu chất phytochemical cũng có tác dụng chống vi khuẩn và tăng cường miễn dịch.
– Các loại hạt và quả hạch như đậu phộng, hạt điều và hạnh nhân cũng chứa lượng kẽm đáng kể và các chất dinh dưỡng lành mạnh khác, bao gồm chất béo lành mạnh và chất xơ.
– Các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng đều chứa một lượng kẽm đáng kể. Trong 100g đậu lăng nấu chín chứa khoảng 12% nhu cầu kẽm hàng ngày. Tuy nhiên, đậu cũng chứa phytates làm ức chế sự hấp thụ kẽm và các khoáng chất khác, có nghĩa là kẽm từ các loại đậu không được hấp thụ tốt như kẽm từ các sản phẩm động vật.
Nếu bổ sung qua thực phẩm hằng ngày, người cao tuổi sẽ không có nguy cơ bị thừa kẽm nhưng nếu bổ sung bằng các chế phẩm từ thực phẩm (dưới dạng uống, thực phẩm chức năng) thì cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
Cảm ơn quý vị đã đọc bài viết này. Hy vọng thông tin về các thực phẩm giàu kẽm sẽ giúp ích cho sức khỏe của người cao tuổi trong mùa lạnh. Chúc quý vị luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!