Trong một mối quan hệ, ‘chuyện ấy’ không phải là nghĩa vụ khi mất ham muốn. Điều quan trọng hơn là sự hiểu biết, tôn trọng và sự đồng ý giữa cả hai bên. Ham muốn có thể thay đổi theo thời gian và tình hình cá nhân, và vấn đề này cần được thảo luận và làm rõ để xây dựng một môi trường giao tiếp và tình cảm lành mạnh trong mối quan hệ.
1. Những lý do khiến nhiều người quan hệ tình dục dù không ham muốn
Mong muốn làm hài lòng vợ/chồng, đối tác hoặc cảm giác có nghĩa vụ… thường là những lý do phổ biến để quan hệ tình dục mặc dù không cảm thấy thích.
Sau một ngày làm việc và chăm sóc, nuôi dạy con cái, H.S. (30 tuổi) tâm sự cuối ngày không còn hứng thú với chuyện chăn gối với bạn đời của mình. Nhưng khi chồng muốn “chuyện ấy” S. vẫn đáp ứng.
Còn L.T, 38 tuổi kết hôn được gần 12 năm chia sẻ: Tôi vẫn yêu chồng rất nhiều nhưng khi anh ấy muốn “gần gũi” thì tôi không còn thích nữa. Tôi chỉ muốn được ôm. Tôi làm “chuyện ấy” chỉ để hoàn thành nghĩa vụ người vợ và thời gian gần đây, tôi không còn đạt cực khoái.
Chị P.H, 40 tuổi, kết hôn được 14 năm và có 3 con, chị chia sẻ 2 năm trước chồng chị đã ngoại tình, mặc dù anh đã chấm dứt với cô gái kia nhưng chị vẫn không thể quên được chuyện đó, lúc nào cũng bị ám ảnh. Ngoài ra, mỗi lần quan hệ chị luôn thấy đau rát nên chỉ cố gắng chiều chồng cho xong.
BS Lê Quang Dương – Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Bền vững giải thích, trong đời sống vợ chồng, có những lý do khiến cặp đôi vẫn quan hệ tình dục ngay cả khi họ không thích và hậu quả của việc đó có thể tốt hoặc xấu, tùy thuộc vào lý do. Nếu không nhận được bất kỳ niềm vui nào từ việc ấy, thì dư âm chuyện đó sẽ tiêu cực.
Bác sĩ Quang Dương cho biết thêm, nhiều đàn ông cũng quan hệ tình dục mà không có ham muốn, điều đó cũng phổ biến vì trong xã hội, nam giới được kỳ vọng phải đáp ứng nhu cầu. Trong chuyện chăn gối, không chỉ phụ nữ mới có suy nghĩ là “nghĩa vụ” mà nhiều đàn ông cũng có quan điểm đó.
Anh B.Q 48 tuổi cho biết, nhiều lúc anh không cảm thấy hứng thú nhưng anh vẫn cố gắng thực hiện nghĩa vụ của người đàn ông. “Vợ tôi hài lòng và thoải mái quan trọng hơn là đối với tôi, vì vậy tôi sẽ chịu đựng điều gì đó không hài lòng và không thoải mái và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình” –anh T.G, 51 tuổi chia sẻ.
2. Ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức khỏe tinh thần
H.A, 36 tuổi nói rằng quan hệ tình dục với chồng khi cô ấy không có ham muốn tình dục khiến cô ấy càng ít ham muốn hơn. “Tôi biết anh ấy không muốn quan hệ tình dục vì sự thương hại, nhưng đôi khi tôi cảm thấy nếu đợi cho đến khi có hứng thú thì rất lâu”. Việc miễn cưỡng với chính mình trong “chuyện ấy” khi không thích khiến tình dục có cảm giác giống như một việc vặt hoặc nghĩa vụ hơn là cảm giác được kết nối và thân mật, điều này làm gia tăng khoảng cách giới tính.
Bác sĩ Dương cho biết, việc không thích mà vẫn làm “chuyện ấy” có tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần. Kết quả tiêu cực có thể xảy ra bao gồm cơ thể trải qua phản ứng căng thẳng. Khi quan hệ tình dục, các cơ căng cứng và không thể bị kích thích khi phản ứng với căng thẳng. Điều đó dễ gây đau đớn khi quan hệ tình dục, khiến người đó bực bội với vợ/ chồng của mình, thậm chí trở nên bực bội, nóng nảy thường xuyên nhưng không biết tại sao. Lâu dần dẫn đến tránh mọi hình thức thân mật về thể xác và tình cảm, không còn tìm thấy khoái cảm hoặc thỏa mãn trong tình dục, khiến tình dục trở thành nghĩa vụ.
Đó là một sai lầm nếu tiếp tục và chịu đựng tình dục khi thực sự không muốn. Nhu cầu được vuốt ve an ủi của bạn cũng quan trọng như nhu cầu tình dục của đối tác vì vậy hãy cố gắng hết sức để chia sẻ, nói chuyện giữa hai bạn về sự cho và nhận cân bằng hơn. Điều quan trọng nữa là khám phá ra lý do khiến bạn thiếu ham muốn tình dục. Những người có ham muốn tình dục thấp do sợ hãi, lo lắng và trầm cảm liên quan đến nhiều yếu tố khác trong cuộc sống nên đi khám sức khỏe tình dục.
3. Thay đổi suy nghĩ để tình dục không phải là miễn cưỡng
Một cuộc hôn nhân không có tình dục thiếu đi phương tiện kết nối thiết yếu đầy sức sống. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng yêu thương nhau nhưng điều đó không phải là yếu tố quyết định tình dục hòa hợp. Vì vậy hãy thẳng thắn chia sẻ với bạn đời của mình để chuyện chăn gối của hai người mang lại những cảm xúc gần gũi, chia sẻ thân mật thay vì cứ để nó trôi đi theo thời gian.
Bác sĩ Lê Quang Dương khuyên, mặc dù không nên ép buộc bản thân làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu nhưng bản thân hãy trút bỏ mọi áp lực cho bản thân và đối tác của mình. Hãy thư giãn và xem điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt nếu bạn có một đối tác yêu thương, hãy tận hưởng nó và cảm thấy gắn kết hơn.
Nếu chờ đợi cho đến khi một hoặc cả hai người thực sự muốn quan hệ tình dục thì sự chờ đợi đó không chắc chắn là đến khi nào. Lưu ý ham muốn tình dục dễ dàng đi vào “giấc ngủ đông” sau khi kết hôn và đặc biệt là đối với phụ nữ sau khi sinh con. Càng để thời gian trôi qua càng khó bắt đầu lại chuyện ấy với đối tác.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi người có quyền lựa chọn và kiểm soát vấn đề ‘chuyện ấy’ theo ý muốn và sự thoải mái của mình. Chăm sóc sức khỏe tâm lý và thể chất là quan trọng nhất.