Tác động của tuổi tác đối với nguy cơ mắc bệnh viêm phổi

0
18

Tuổi tác là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Người cao tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi, có nguy cơ cao hơn do hệ miễn dịch giảm, cơ thể yếu hơn, và khả năng phục hồi kém. Việc duy trì sức khỏe, tiêm vắc xin phòng viêm phổi và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cách hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi.

1. Nguyên nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi

Người cao tuổi có rất nhiều các yếu tố đặc thù làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi như:

– Người cao tuổi hệ miễn dịch yếu: Sự lão hóa của hệ thống miễn dịch làm cho người cao tuổi không chống lại được sự tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Người cao tuổi sức khỏe yếu, dinh dưỡng kém… làm cho sức khỏe suy giảm dễ dẫn đến viêm phổi.

– Người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý mạn tính: Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính cả toàn thân và đường hô hấp như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, bệnh gan, thận mạn tính, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, COPD, hoặc bị tai biến nằm lâu một chỗ… làm tăng nguy cơ bị viêm phổi.

– Yếu tố môi trường có hại: Nếu nghiện thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia hoặc người cao tuổi sống ở môi trường khói bụi ô nhiễm… là các yếu tố thường gặp và là tác nhân thúc đẩy tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi.

Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể tìm được nguyên nhân. Có tới 50% trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, viêm phổi thường được chia làm 2 loại là viêm phổi mắc phải tại cộng đồng và viêm phổi mắc phải tại bệnh viện.

1.2. Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

Nguyên nhân viêm phổi có rất nhiều: do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, vi nấm), do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc ít vận động, nằm lâu do liệt…

Thủ phạm chính gây nên viêm phổi ở người cao tuổi là các vi khuẩn, virus sẵn có ở mũi, họng. Lợi dụng lúc cơ thể đang suy yếu vì nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm chúng tấn công vào đường hô hấp và gây bệnh. Điển hình là vi khuẩn phế cầu và một số virus đường hô hấp, vi nấm.

Ngoài ra, nhiễm các loại virus như virus cúm thông thường, virus gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp (SARS), virus cúm gia cầm, Corona virus cũng đều có thể là nguyên nhân gây viêm phổi nặng.

1.3 Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện

Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện là bệnh lý viêm phổi xuất hiện sau nhập viện 48 giờ bao gồm cả các trường hợp viêm phổi trên bệnh nhân thở máy. Trong bệnh viện, sau nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn máu thì phổi là cơ quan dễ bị nhiễm khuẩn nhất.

Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện khác nhau giữa từng bệnh viện, thậm chí là từng khoa trong cùng một bệnh viện.

2. Biểu hiện viêm phổi ở người cao tuổi

Dấu hiệu của viêm phổi ở người cao tuổi rất khác so với người trẻ. Nhiều trường hợp người bệnh không sốt cao, thậm chí không sốt, nhất là những người tuổi cao, sức yếu, lú lẫn, ít vận động hoặc đi lại khó khăn, ăn uống thất thường.

Bệnh thường có một số triệu chứng điển hình như thở nhanh nông, đôi khi có thở rít, cánh mũi phập phồng. Ho là triệu chứng hay gặp nhất, đặc biệt là ở những người cao tuổi có bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm họng mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).

Ho có đờm lỏng hoặc đặc quánh, một số trường hợp có dính một ít máu do mao mạch bị vỡ ra, có một số ít trường hợp không ho. Ngoài ra còn tức ngực và khó thở nhẹ. Người bệnh thường có dấu hiệu mất nước (môi khô, lưỡi trắng, má hóp, da nhăn nheo).

Muốn chẩn đoán chính xác cần chụp X-quang phổi và nuôi cấy đờm, chất nhày phế quản để xác định vi khuẩn gây bệnh, trên cơ sở đó, chọn kháng sinh thích hợp để điều trị nhằm giảm bớt thời gian nằm viện.

3. Lời khuyên thầy thuốc

Khi người cao tuổi nghi ngờ bị viêm phổi, cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt bởi vì nếu để muộn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh không những không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Để phòng bệnh viêm phổi người cao tuổi cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, nơi ở phải thông thoáng, không hút thuốc lá, thuốc lào. Trong những ngày trời lạnh mà nhiệt độ giảm thấp cần được giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh.

Hàng ngày, uống đủ lượng nước cần thiết (khoảng từ 1,5 – 2,0 lít), ăn thêm rau xanh trong các bữa ăn và tăng cường ăn trái cây. Vệ sinh mũi – họng – miệng như đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

Vận động cơ thể bằng mọi hình thức tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.

Ngoài ra, người cao tuổi thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhất là khi xì mũi, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hay chuẩn bị thức ăn. Đeo khẩu trang khi vệ sinh nhà cửa hoặc các nơi bụi bẩn để hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn, virus.

Cảm ơn quý vị đã đọc bài viết về tác động của tuổi tác đối với nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Hy vọng thông tin trên sẽ hữu ích cho quý vị. Chúc quý vị luôn khỏe mạnh và chăm sóc sức khỏe tốt!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận